Ngoài đường hãy còn tối lắm, sương đêm còn vương vất. Gió phả từng cơn mang theo chút khí lạnh se se buổi sớm cũng đủ nhắc nhở thằng Nhẫn kéo lại cổ áo mặc dù trước khi ra khỏi nhà má nó đã giúp nó cài cúc cẩn thận.
Tít trên cao, mấy cái bóng đèn đường trố con mắt thô lố nhìn xuống cái bóng dáng quen thuộc của thằng nhỏ đang lùi lũi đi trên đường, cái thùng kem to cặp bên hông gần đụng đất. Nó đi đến đâu, những con mắt thô lố ấy cố nhìn theo đó, làm hắt rất nhiều cái bóng của thằng nhỏ, bóng này đổ đè lên bóng kia, tiếp nối nghiêng dài theo con phố ...
THẰNG NHẪN BÁN CÀ REM
Thằng Nhẫn hơn con Nhường hai tuổi và hơn con Nhân ba tuổi, phía sau hãy còn bé Như, bé Nhã … Ở cái xóm lao động này, gia đình nó thuộc loại đông con, và thuộc loại nghèo nhất hay nhì gì đấy nhưng anh em thằng Nhẫn, đứa nào cũng được ăn mặc lành lặn, sạch sẽ, đến tuổi đi học cũng đều được đến trường. Chúng nó không thường xuyên được mặc đẹp như con người ta nhưng không có cái cảnh mặt mày nhem nhuốc, mũi chảy lòng thòng, mặc áo vạt trên vạt dưới, quần ống cao ống thấp vá chằng vá đụm hoặc ở truồng chạy nhong nhong ngoài xóm.
Chúng có người mẹ rất đảm đang, giỏi tề gia nội trợ, mọi việc trong ngoài một tay bà cáng đáng tất tần tật. Khi xưa má nó là con nhà khá giả, nhan sắc không rực rỡ nhưng mặn mà có duyên, thương quý ba nó nên đồng ý lấy ba nó, chấp nhận theo chồng đi bất cứ nơi đâu dù cha mẹ đã khuyến cáo là sẽ chịu nhiều cực nhọc. Ngày ngày sau khi tiễn chồng đi làm, cửa nhà đóng lại, đứa lớn được dạy dỗ chăm cho đứa bé, đứa bé nhất còn bú mẹ thì nằm ngủ trong nôi, bà đi bộ đến làm thêm ở công trường cách nhà một cây số, tan tầm trưa thì chỉ vài phút là bà đã có mặt ở nhà, vừa cho con bé bú bầu sữa căng đầy vừa lo cơm nước, thoắt cái bữa trưa cho lũ trẻ đã xong xuôi. Tầm vào trưa vừa nhóm hụ thì bà rảo chân đi ra, chiều nào cũng vậy, bà về nhà lúc hơn bốn giờ một tị, khoảng hơn năm giờ, khi ba nó đẩy chiếc xe mobillet vào cổng thì anh em chúng nó đã tinh tươm sạch sẽ, cơm nóng canh sốt đã sẵn sàng.
Ba nó là nhân viên công sở, bước chân ra đường quần áo luôn phẳng phiu, lịch sự. Ông siêng năng chăm chỉ, chuẩn mực, thật thà, tiên chỉ lối sống của ông là nghèo cho sạch, rách cho thơm. Ngoài việc xây dựng gia đình theo lối sống mới – vợ chồng bình đẳng tôn trọng lẫn nhau, ông vẫn còn giữ lại vài nếp nho học – Khổng học mà ông tâm đắc, con gái thì công, dung, ngôn, hạnh, tề gia nội trợ. Con trai thì nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, trung hiếu làm đầu. Người học chữ thì trước tiên phải học câu tiên học lễ, hậu học văn. Vì vậy, gia đình ông tuy nghèo nhưng đối với xóm giềng cũng thuộc hàng đáng nể trọng.
Con đông, tiền ít nhưng gia đình thằng Nhẫn luôn tươm tất, gạo mua theo sổ hàng tháng, nhu yếu phẩm mua theo phân phối hàng kỳ nhưng chúng nó lúc nào cũng được chu tất cái ăn, cái mặc. Chiều tối nào cũng vậy, trong căn nhà nhỏ tuềnh toàng, vang vang giọng ê a học bài của lũ trẻ, ba nó ít chữ nhưng vốn liếng chữ nghĩa có bao nhiêu ông cũng cố kềm cặp cho con, chỉ mong chúng nó sau này khá giỏi hơn mình cho đỡ khổ tấm thân.
Mới bốn giờ sáng, thằng Nhẫn đã lò dò thức dậy, nó tỉnh ngủ như không, xông xáo trái phải trước sau không cần khe khẽ sợ ai phải giật mình thức giấc. Dưới bếp má nó đã thức dậy từ hồi nào, chuẩn bị sẵn cho nó mọi thứ. Nó kiểm tra lại cái thùng mốp đựng kem (người lớn hay gọi thế nhưng bọn con nít chúng nó quen gọi là cà rem) và cái chuông lắc. Khoác thêm vô người cái áo sơ mi tay dài mỏng tèn, với lấy cái nón vải tai bèo màu cháo lòng chụp lên đầu, tay cầm tiền má đưa và nghe những lời căn dặn quen thuộc, nó rời khỏi nhà lúc bốn giờ ba mươi sáng. Tiếng leng keng cái chuông lắc đánh nhịp theo bước chân xa dần của nó.
Ngoài đường hãy còn tối lắm, sương đêm còn vương vất. Gió phả từng cơn mang theo chút khí lạnh se se buổi sớm cũng đủ nhắc nhở thằng Nhẫn kéo lại cổ áo mặc dù trước khi ra khỏi nhà má nó đã giúp nó cài cúc cẩn thận. Tít trên cao, mấy cái bóng đèn đường trố con mắt thô lố nhìn xuống cái bóng dáng quen thuộc của thằng nhỏ đang lùi lũi đi trên đường, cái thùng kem to cặp bên hông gần đụng đất. Nó đi đến đâu, những con mắt thô lố ấy cố nhìn theo đó, làm hắt rất nhiều cái bóng của thằng nhỏ, bóng này đổ đè lên bóng kia, tiếp nối nghiêng dài theo con phố.
Trên đường đi, thằng Nhẫn ghé vào gánh xôi của bà Tư bến đò. Quen thuộc đến mức nó còn cách gánh xôi mấy bước chân thì bà Tư đã vói tay đưa gói xôi cho nó, rồi bà cầm tiền của thằng nhỏ đưa, không cần xem lại, bỏ rơi keng vào rổ nhỏ trước mặt.
_ Bán đắt nghe mậy
_ Dạ, con cám ơn bà Tư
Hãng kem nằm bên kia dốc cầu Tân Thuận, cách nhà bốn cây số đường đi bộ. Tiếng là hãng nhưng chỉ là một căn nhà to rộng đâu chừng hai chục bước chân bước hết sức của nó. Sở dĩ nó biết vậy là vì có hôm chờ lấy kem, nó buồn chân đi dọc hãng kem đếm thử. Còn sâu bên trong có bao nhiêu thì nó không chắc lắm, vì nó chỉ đến khu vực lấy kem mà thôi. Trời vẫn chưa sáng hẳn, cửa hãng mới mở hé đủ người và thùng kem cặp hông đi vào. Cách cửa ra vào khoảng bảy bước chân, bên góc trái kê một cái bàn cũ kỹ, một ít sổ sách nhỏ cũng cũ mèm, quăng góc, nằm mất trật tự. Phía sau cái bàn ấy, một ông người Hoa trung niên to béo, cố chèn ép cái thân phì nộn vào chiếc ghế dựa. Tiếng máy kành kành kành xạch xạch xạch đều đều như bài hát ru hay nhất đến người lớn như ông người Hoa ấy cũng lim dim gà gật, người ông chảy dài trên chiếc ghế. Chỉ duy nhất một anh thợ phụ chạy tới chạy lui giữa bốn năm dãy những khối hộp chữ nhật to đùng, nằm song song dọc hãng. Thằng Nhẫn lách mình bước vào, tiếng leng keng của cái chuông gọi ông người Hoa trở dậy, chiếc ghế cọt kẹt từng tiếng khi ông lách qua lách lại sửa mình ngồi ngay ngắn. Nó bước đến cái bàn.
_ Nhiêu ? – Chú Tàu hỏi vắn tắt
_ Dạ con lấy đậu xanh, đậu đỏ, xi rô dâu, xi rô chanh mỗi thứ năm chục, cà rem bẹ đậu xanh, bạc hà mỗi thứ hai chục.
Chú Tàu nguệch ngoạc ghi mấy chữ vô sổ, tay tanh tách kéo lên kéo xuống mấy cái hột gỗ trên bàn tính rồi báo số tiền :
_ Hai trăm bảy mươi đồng, thằng nhỏ
Nó đưa chú Tàu hai tờ một trăm và hai tờ năm chục rồi chờ chú Tàu trả lại tiền thừa, không quên nhắc nhở :
_ Chú nhớ thối con tiền lẻ nghe
Trả tiền xong, nó bước đến một cái khối chữ nhật gần nhất, bên trong cái hộp to ấy cơ man nào là kem. Anh thợ phụ đã đứng đó. Thằng Nhẫn mở nắp thùng, lôi bao bị lên và banh miệng bao ra để anh thợ phụ đếm kem bỏ vào. Anh vừa đếm, vừa ngáp lại vừa nói:
_ Lấy nhiều quá mày mang nặng riết lớn hông nổi nhe thằng nhỏ. Xong rồi, cho thêm mày mười cây nè nhen. Bán đắt nghe mậy.
_ Cám ơn anh.
Nó cười tít mắt, cuốn miệng bao, đậy nắp thùng, ràng rịt cẩn thận rồi lấy sức nhấc cái thùng kem giờ đã nặng trĩu, mang lên vai, bước ra cửa hãng.
Bắt đầu một ngày làm việc của thằng Nhẫn. Nó na thùng kem nặng trì lúc bên vai phải, lúc bên vai trái, hướng về phía trường học Nguyễn Trãi, quận 4. Đến trước cổng trường nó thả thùng kem xuống trước mặt, tay lắc cái chuông liên hồi. Khi chuông reo vào lớp, nó quải cái thùng lên vai, lặc lè đi về hướng Tôn Đản. Nó luồn sâu vào những con ngõ hẻm, chân đi, chốc chốc tay lắc chuông vài cái. Nó cứ độ chừng tiếng leng keng của cái chuông vang được bao xa thì lại lắc tiếp, và cứ thế, nó vừa đi vừa lắc chuông suốt buổi.
Nắng lên cao, lưng áo thằng Nhẫn đã rịn ướt mồ hôi sau mấy tiếng đồng hồ lội bộ với thùng kem trĩu nặng. Ra khỏi những con hẻm chằng chịt khu Tôn Đản, quận 4 thì nó bán được phân nữa số kem. Vừa bước ra vùng sáng trước mặt, nó định thần nhìn lại coi mình đang ở khu vực nào. Con đường lớn trước mắt thì chắc chắn là đường Tôn Thất Thuyết rồi, vì nó đi bán mỗi ngày, ngày nào nó cũng đi theo lộ trình như vậy – lấy kem – đi ngang trường Nguyễn Trãi – vô đại con hẻm nào đó của khu Tôn Đản, rồi như lươn như lạch, cứ có nhà cửa, có đường đi là nó đi. Nó còn nhớ lần đầu tiên đi vào một con hẻm, đi miệt mài, ngõ ngách ngoằn nghoèo uốn lượn trái phải ngang dọc lung tung, lúc thì nhà, lúc thì chợ nhóm, lúc thì quán nhỏ, lúc thì miếu thờ, lúc lại có vũng rau muống, … v.v làm nó như lạc vào mê cung nên nó vừa đi vừa lo lắng, cứ mỗi lần bán được vài cây kem, nó lại hỏi người ta :
_ Chú ơi, hẻm này ra được ngoài đường hôn chú ?
_ Hẻm nào mà không ra đường mậy ? Mày cứ đi hồi ra đường Tôn Thất Thuyết đó thằng nhỏ.
Tới hồi ra được đường lớn thì thùng kem của nó chỉ còn chừng chục cây. Nó mừng lắm. Hôm sau nó lại vào con hẻm đó, nhưng vì hẻm nhỏ đan qua lại chằng chéo nên nó đâu nhớ hết hôm qua nó đi ngõ nào. Vậy là nó cứ đi, và khi bước ra đường Tôn Thất Thuyết thì nó thêm một lần hoảng hồn vì quang cảnh lạ hoắc không giống hôm qua. Thêm một lần nữa thì nó đã hiểu là có rất nhiều ngõ dẫn ra đường Tôn Thất Thuyết, chỉ có khác nhau là đang ở quãng nào mà thôi.
Như hôm nay chẳng hạn, nhìn quãng đường nó đã định được ở đâu : xuôi về hướng bên phải, còn khoảng vài chục bước chân có một bến đò nhỏ, bến đỗ bên kia là Long Kiểng – mặt đường Trần Xuân Soạn, nếu đi hướng này thì thằng Nhẫn sẽ nhanh đến nhà nhất. Hướng ngược lại, xa hơn rất nhiều, rồi lại phải băng qua cây cầu Tân Thuận cao vòi vọi, lại thêm quãng đường dài sau khi xuống dốc cầu qua kho hàng Tân Thuận, qua cư xá Ngân Hàng, qua luôn bến đỗ khách của cái bến đò vừa nhắc khi nãy, đến đó mới gần khu vực nhà nó. Phân vân, rồi nó quay ra bên trái, nó quyết định đi về hướng cầu Tân Thuận.
Bình thường, nó hay chọn hướng đi về nhà bằng cách qua đò. Vừa qua bên kia sông, thì cái trường Tân Qui – nơi nó học, đã lù lù ở đó. Nó canh giờ ra chơi của học trò, thả thùng kem xuống trước mặt, vừa được nghỉ chân, vừa tranh thủ bán cho hết số kem còn lại rồi sau đó là đi thẳng về nhà, ăn nhanh bữa cơm, chuẩn bị bài vở rồi đi đến trường.
Hôm nay, thùng kem còn hơn quá nữa nên nó chọn hướng đi xa để bán thêm. Xuống được dốc cầu Tân Thuận, đến cư xá Ngân Hàng, nó quẹo vô sân bóng đang có rất nhiều thanh niên và mấy đứa con nít cỡ nó đang tụ tập. Ngoài sân nắng vàng rực, chiếu óng ánh vài cái lưng trần đẫm mồ hôi trong đám đông đang ra sức tranh nhau quả bóng. Thằng Nhẫn chọn một gốc cây sát rào có chút bóng mát, nó ra sức lắc chuông, cứ như là chuông sẽ kêu to nhất để át tiếng ồn ào của đám đông, báo với mọi người là có món hấp dẫn giữa lúc trời đang nắng nóng.
Tiếng leng keng đang mời gọi “cà rem đây, cà rem đây” thì bất thình lình thằng Nhẫn nghe bùm một tiếng, nó như vừa thấy trời giáng (mặc dù nó không biết trời giáng là cái gì), có vật rất to rơi trúng đầu của nó, chu choa ơi ! đom đóm đủ màu, sao lớn, sao bé bay vòng vòng trước mắt, nó chưa kịp định thần thì cái vật to ấy đã dội ngược ra. Mặc dù vậy, mắt nó vẫn kịp nhìn thấy cái vật to ấy là quả bóng và cũng ngay lúc ấy đám đông chạy tới, anh thanh niên cao hơn nó một cái đầu rưỡi bắt được trái bóng và mọi người bu lại hỏi :
_ Có sao hông mậy ? … có sao hông ? có sao hông ?
May là nó vẫn ngồi đó, có vẻ không sao, vì sau đó thì nó thấy trở lại bình thường, chỉ có lúc nãy vì quá bất ngờ nên hồn bay phách lạc một chút. Bấy giờ mọi người mới nhìn thấy thằng bé nhỏ thó ngồi bên thùng kem to đùng (vậy mà hồi nãy nó ra sức lắc chuông cứ tưởng ai nấy đã nghe thấy). Cũng là anh thanh niên bắt bóng, anh mua trước một cây kem, rồi gọi :
_ Ăn cà rem tụi bây ơi !
Đám đông xúm lại, mỗi người chọn một thứ. Đâu chừng năm mười phút, đám đông tản ra sân bóng, tiếp tục trò chơi, quên mất có thằng nhỏ bán kem vừa ăn một trái bóng vô đầu.
Thằng Nhẫn đếm lại kem trong thùng, còn đâu chừng hơn chục cây. Nó cười mãn nguyện, đóng nắp thùng, không quên cầm ra một cây tự thưởng cho bản thân. Nó đứng dậy, vác lên vai cái thùng đã nhẹ tưng, đi về hướng trường Tân Qui – cũng là hướng về nhà.
Vừa đi, vừa mút cà rem, nó không buồn lắc chuông nữa. Nó đi nhanh đến trước cổng trường đang đông đúc học sinh ra chơi. Loáng cái, nó không còn cây kem nào. Gặp lúc bán đắt như vầy, thằng Nhẫn cứ tiếc, phải chi hồi sáng mình lấy thêm ba chục nữa …
Hành trình đi bán kem của thằng Nhẫn cũng cho nó nhiều kỉ niệm vui buồn. Gặp hôm mua may bán đắt, chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ buổi sáng mà nó lãnh hai lần kem, bán hết, về sớm thì nó vui như hội. Có hôm bán mãi, đến giờ phải quay về nhà mà thùng kem còn hai ba chục cây thì nó buồn xo, vì đây là phần lời của nó. Lại gặp hôm thùng kem mới bán được một nữa thì trời đổ mưa, mưa to thì trú hiên nhà, hiên quán, bán kem mà cứ đứng yên một chỗ như vậy thì bán cho ai, lại thêm mưa lạnh thì ai lại đi ăn kem bao giờ. Những lúc như vậy thằng Nhẫn lo lắm, nó lo bị lỗ vốn, mà đã lo thì chốc chốc nó lại mở thùng kem kiểm tra xem kem có bị chảy tan bớt không. Cây nào bị tan chảy nó lấy ra ăn tuốt, bởi vì đám con nít “đồng nghiệp” với nó bảo rằng :
_ Lấy ra ăn đi, để trong đó nó chảy lan qua cây khác đó
Hôm nào nó ăn liền tù tì năm bảy cây kem như vậy là nó buồn ghê lắm, nó đổ thừa tại trời mưa nên kem bị tan (nó cũng biết trách ông trời nữa) chứ nó đâu biết rằng chính nó mở nắp thùng hoài là góp phần cho kem mau tan chảy. Vừa đi, vừa nghĩ, vừa lắc chuông, vừa ăn kem với cái mặt buồn xo, mấy người trong những con hẻm quen thấy thằng nhỏ như vậy thì thương, mưa phùn nho nhỏ, người ta cũng kêu nó lại :
_ Ê ! cà rem, vô đây, mưa bán ế, tao mua dùm cho
Nó chạy vội vào, mừng húm. Nhờ vậy mà rất nhiều lần đi bán gặp trời mưa, nó vẫn lấy được huề vốn, họa hoằn nó mới bị lỗ vốn một hôm.
Lại có lúc nắng đẹp, trời quang, thằng Nhẫn đang leng keng đi từ hướng bên trái, thì lại có tiếng leng keng khác đi từ hướng bên phải. Vừa nghe tiếng gọi :
_ Cà rem !
Hai thằng nhỏ (cũng có khi bên kia là con nhỏ) cắm đầu chạy vô nhà phát ra tiếng gọi đó. Hên gặp người quen nó thì người ta mua cho nó, nếu người ta mua bên kia thì nó tiu nghỉu đi ra, mắt nhìn càng luyến tiếc nếu chỉ vì không phải khách quen hay chỉ vì nó chậm hơn bên kia một bước mà nó không bán được gần chục cây kem một lúc. Rồi có hôm, người ta nhìn cả hai đều thấy thương hay sao đấy - nó nghĩ như vậy (con nít đi bán mà, không thương sao được), người ta vừa cười vừa biểu :
_ Tao mua có một cây mà tụi bây vô hai đứa rồi sao đây …
Thấy hai đứa nhỏ chần chừ, không đứa nào chịu quay ra trước thì người ta phì cười, lại nói :
_ Mỗi đứa bán cho tao một cây hén, rồi, đồng đều.
Vậy chứ, bán xong một cây như đứa bên kia, nó cũng không vội quay ra đi ngay nếu đứa bên kia chưa chịu đi. Nó sẽ tiếc nếu chủ nhà đổi ý muốn mua thêm, mua cho thằng kia thì nó bị thiệt thòi. Đến nỗi, người ta phải lên tiếng :
_ Tao mua rồi, không mua nữa đâu, đi đi
Hoặc có lúc, bước ra khỏi sân nhà người ta rồi mà thấy người ta còn ngồi ngoài sân là nó chẳng chịu đi, nó cứ đứng chàng ràng qua qua lại lại gần cửa nhà người ta. Chỉ dỏng tai chờ một tiếng : cà rem – là nó lại ôm sát thùng vào người cắm đầu cắm cổ chạy vội vào, có khi vấp chúi nhủi cả người, may là chưa lần nào té đè bể thùng cà rem.
Thằng Nhẫn tuy còn nhỏ, nhưng nó biết người lớn không thích những đứa con nít gian tham, hỗn hào. Nó được dạy dỗ đàng hoàng nên bước chân ra đường nó là thằng bé ngoan. Đi bán như vậy nhưng nó chưa hề thối tiền ăn gian ai, dù người mua bé hơn mình hoặc đôi khi người lớn vì đang quần với năm bảy đứa con nít mà quên cầm tí tiền lẻ thối lại nó cũng chờ và trả cho người ta đàng hoàng. Nó cũng không hề nhiễm cái thói chửi thề bậy bạ của những “đồng nghiệp”, nếu gặp cảnh giành nhau bán mà bên kia cứ mắng xa xả :
_ đ.. má, tao tới trước, đ… má, mày đi đi tao tới trước
Nó cũng giành :
_ Tao tới trước, tao tới trước … nhưng tuyệt đối không bao giờ chửi qua lại và cũng tần ngần đứng sau vì phía bên kia giành giựt dữ quá. Tính nó vốn hiền lành nên dù đôi lúc người tới trước là nó chứ không phải là thằng kia thì đôi co đỉnh điểm cũng chỉ đến đấy. Có trường hợp gặp khách thương, người lớn mà thấy con nít như vậy thì người ta lên tiếng bênh vực, gọi nó lại, rồi mua cho cả hai bên giống như cuộc phân xử công bằng. Lại có lúc khách không quan tâm, mua của đứa nào cũng cùng là một thứ kem cả (lúc đó cả xứ Tân Thuận chỉ có một hãng kem duy nhất nên ai bán cũng đến đó lấy hàng). Nó đến trước mà khách không biết, mua cho thằng kia thì nó ức trong bụng, nó nhớ, rồi về nhà ấm ức kể lại cho má nó nghe. Má nó thì bận lung tung việc, cứ vừa làm, vừa nghe thằng con cà lặp cà là kể lại chuyện bị giành bán không đầu không đuôi. Vốn là hồi bé xíu thằng Nhẫn bị cà lăm, ba má nó cũng đã rất kiên nhẫn theo sát tập tành cho nó nên đến tuổi đi học nó không cà lăm nữa, nhưng mỗi tội nói chuyện để diễn đạt hết ý thì nó lại hơi ề à một chút. Vì vậy, khi má nó nghe nó kể chuyện, bà cứ ậm ừ cho con vui, rồi cuối cùng thì bà an ủi nó vài câu cho phải lẽ. Lại có lúc, nó nói lâu quá, mà má nó nhiều việc bếp núc, con cái, hoặc đang bực bội chuyện khác, bà đâu còn kiên nhẫn nghe nó nói gì, bà quát cho một câu :
_ thôi chiều kể tiếp, lo ăn cơm rồi đi học nè
Không nhớ rõ là thằng Nhẫn bắt đầu đi bán cà rem từ hồi nào, chắc từ lớp ba lớp bốn gì đấy. Đến khi nó vào lớp năm thì bé Nhân được chín tuổi, bé đang học lớp ba. Thế rồi má cho bé Nhân theo anh hai tập tành việc bán cà rem. Bé cũng dậy từ bốn giờ sáng, cũng ôm bên hông một thùng mốp bự, dài gần đụng đất. Bé cũng làm mấy bóng đèn đường tít trên cao trố mắt thô lố ngạc nhiên nhiều hơn khi nhìn con bé tẻo teo lẽo đẽo theo anh lội bộ đoạn đường dài đến hãng kem bên kia dốc cầu Tân Thuận. Gánh xôi của bà Tư bến đò thêm một khách từ sáng sớm và dù thằng Nhẫn mua hai đồng hay một đồng thì gói xôi lót dạ cho hai anh em mỗi sáng đi bán vẫn tròn đầy như cũ.
Anh Nhẫn truyền đạt kinh nghiệm cho em bằng lời bằng miệng, bảo cho em biết những chỗ dễ bán được cà rem như sân bóng, trường học, ngõ hẻm khu lao động … v.v và Anh dắt em đi đến khu nào đó rồi thả em ra cho em đi một mình chứ hai anh em ôm hai thùng cà rem đi dính chùm với nhau thì làm sao mà bán được. Anh Nhẫn sẽ đi bọc lại hướng bên kia để đón đầu bé Nhân rồi sau đó lại dẫn em đến khu khác và cũng thả em đi như lúc nãy. Bé Nhân vốn thông minh lanh lợi, được anh hai hướng dẫn hai ba hôm là bé nhớ đường. Tuần lễ đầu bé đi bán gần và nhớ lời anh hai dặn canh giờ về để kịp giờ đi học. Chừng hai tháng sau bé bắt đầu lãnh kem nhiều hơn và bắt chước anh Nhẫn chui mất hút vào những con hẻm nhỏ những khu quận 4, quận 8 …
Do thằng Nhẫn phải hướng dẫn em nó đi bán nên nó phải nhường cho em những chỗ nó thường đi, những khu vực dễ bán. Nó phải đi tìm thị trường mới nên khó khăn hơn và đi xa nhiều hơn.
Vậy đó, bán cà rem cũng có cả một pho chuyện kể, bàn chân nhỏ bé của anh em thằng Nhẫn đã từng lang thang khắp các ngõ ngách của khu quận 8, quận 4, Tân Thuận, Rạch Ông, Long Kiểng … v.v đến nỗi sau này lớn lên, ngồi ôn lại tuổi thơ của mình, nó giật mình và thán phục thằng Nhẫn và em nó ngày nào, đứa mười một tuổi còn đứa kia mới chín tuổi mà hàng ngày tha cái thùng kem kĩu kịt đi bộ cả mấy cây số liền giỏi như thế. Gắn liền với cái thùng kem to đùng trên đường đi bán còn nhiều chuyện vui khác như đánh đáo, bắn bi, vít hình, giựt cô hồn … v.v có lẽ chẳng bao giờ nhạt nhòa trong ký ức tuổi thơ của chúng nó, nó mà ngồi kể hết chắc phải chuối trồng, chuối trổ, chuối ra hoa.
THẰNG NHẪN ĐI HỌC
Thằng Nhẫn đi học cũng giống như những đứa con nít trạc tuổi khác, có gì lạ đâu nhỉ! Nó đã trải qua cấp I ở trường gần khu nhà ở khoảng mười phút đi bộ. Hàng ngày, nó đi bán buổi sáng, buổi chiều nó đến trường. Nó học thường thường, không xuất sắc, nhưng chăm chỉ nên đều đều mỗi năm lên một lớp. Năm nay, nó thi vào lớp sáu – trường cấp II.
Lớp sáu – đối với những gia đình có truyền thống học hành thì chắc điều đó chẳng có gì lớn lao, quan trọng. Đằng này, cả nhà nó, chưa ai học qua khỏi lớp năm. Ba nó, chưa hết lớp năm đã nghỉ ở nhà, kiếm việc làm phụ cha mẹ nuôi ba đứa em. Má nó, cũng vừa hết lớp năm, đủ chữ để viết cái gì đó đơn giản, đọc báo, xem ti vi . Đến tuổi thành gia lập thất, dù có ý thức được giỏi chữ nghĩa là quan trọng thì ba má nó không còn thì giờ và cơ hội để học hành nữa.
Còn điều quan trọng khác trong cái ý nghĩa học lớp sáu của thằng Nhẫn là – nó phải thi vào lớp sáu trường công, chứ không phải như hồi ở cấp I cứ học thường thường, chăm chỉ đều đều thì sẽ được lên lớp.
Thi đó nhe chứ không phải bình thường đâu. Nếu nó thi đậu thì nó sẽ được tiếp tục đi học, còn không đậu thì chắc phải nghỉ ở nhà, ngày hai buổi đi buôn bán kiếm tiền phụ ba má nó nuôi các em, chứ ba má nó không đủ tiền cho nó đi học trường tư. Không phải nó coi thường việc đi bán, như bán kem đó - nó thấy đi bán rất cực, mặc dù đôi lúc cũng vui và mỗi tháng cũng phụ má nó chút ít tiền lời chắc đủ đi chợ vài buổi, nhưng đối với nó - một thằng bé mười một tuổi - trường học vẫn là một nơi hấp dẫn hơn với dáng dấp bộ đồng phục quần xanh áo trắng, các nam sinh bỏ áo vào quần, chững chạc, đứng đắn, trong lớp ngồi nghiêm trang nghe giảng hoặc cúi xuống hí hoáy ghi chép bài vở, và giờ ra chơi … ôi ! đông đúc, vui nhộn với rất nhiều trò chơi và rất nhiều các bạn nữ sinh với tà áo dài trắng thướt tha … Còn cái hơn nữa là nó là con nhà nghèo mà được đi học đàng hoàng, nếu người ta tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi “con còn đi học à ? “thì nó thấy hãnh diện ghê lắm … Nghĩ đến đó thôi là nó thấy cái mốc lớp sáu này của nó có tầm quan trọng rất lớn, chắc phải lớn ngang bằng việc ba nó xin được việc làm, hoặc lớn cỡ cái lễ gì mà mới hôm qua nó xem trên ti vi nhà hàng xóm, khi tổ chức người ta phải cắt cái băng đo đỏ.
Bởi vậy, dạo sau này thằng Nhẫn học chăm chỉ hơn. Nó bớt nhiều buổi đi bán để tập trung cho kỳ thi. Ba má nó cũng động viên nó rất nhiều. Rồi nghe lời bạn bè mách qua mách lại, nó còn kiêng cữ rất nhiều cho kỳ thi được tốt như lòng nó mong muốn. Nào là : nó không ăn bánh canh vì bánh canh trơn tuột, không ăn chè bánh lọt, vì tuột hay lọt đều có nghĩa là rớt, không ăn chuối vì sợ sẽ bị chúi nhủi, không ăn canh bí vì sợ bí bài, không ăn trứng luộc vì sợ lãnh điểm zéro mà bọn học trò thường gọi là óc vịt, không ăn trứng vịt lộn vì sợ làm bài lộn tủ, thậm chí nó rất chú ý tránh những món ăn dễ bị mắc nghẹn như bánh bông lan, bánh in, khoai lang … v.v
Nó chọn ăn chè đậu đỏ, bỏ qua chè đậu xanh và các loại đậu khác vì đậu đỏ là đậu toàn diện, đậu cao, nó thay chuối bằng thứ trái cây mà nó ghét nhất : đu đủ vì đủ có nghĩa là bài thi được làm đầy đủ từ đầu đến cuối, thay canh bí bằng món canh cải vì cải có nghĩa là đổi – có thể đổi khó thành dễ, …v.v đến nỗi nó gần như thiết lập thói quen mới làm má nó hết sức ngạc nhiên vì có hôm nó từ chối ăn món bí rợ hầm dừa là món ăn mà nó rất thích từ xưa nay. Rồi nào là kiếm thật nhiều một loại lá dẹp, hình vảy, có dáng và màu xanh thẫm rất đẹp ép vào trang sách trang vở để lúc học bài được mau thuộc nhớ lâu. Lũ học trò cứ gọi lá ấy là lá thuộc bài mà sau này lớn lên nó mới biết tên lá cây đó là Trắc bá diệp – một loại cây trồng làm cảnh và là một loại thuốc nam rất quý.
Đến ngày đi thi, ba nó chở nó đến trường thi, cho nó ít tiền quà sáng, dặn dò đủ thứ, cứ nghĩ đến điều gì cần thiết là ông dặn, bởi vì bản thân ông cũng chẳng có kinh nghiệm gì trong việc thi cử. Không biết thằng Nhẫn có nghe và nhớ hết lời ba nó dặn dò không mà cứ thấy nó gật đầu dạ lia lịa. Đến giờ chuông báo vào thi, ba nó chờ nó khuất sau cánh cổng trường rồi mới chạy xe đến sở làm.
Sau tuần lễ thi, thằng Nhẫn được nghỉ hè.
Chuyện nghỉ hè sẽ được sắp xếp ở hồi sau nữa. Bây giờ phải nói tiếp chuyện đi học của thằng Nhẫn như thế nào sau kỳ thi lớp sáu.
Một buổi sáng thằng Nhẫn đi bán như thường lệ. Vì đang trong hè nên lộ trình đi bán của thằng nhỏ có thay đổi một chút. Lãnh kem xong, nó bỏ qua trường Nguyễn Trãi đang đóng cửa im ỉm, rảo bước về hướng Tôn Đản, nó mất hút sau những con hẻm nhỏ. Sau khi ra đường lớn ở quãng chợ Tôn Đản, nó băng ngang đường đi về khu Nguyễn Khoái.
Sau cả giờ sục sạo khắp hẻm nhỏ ngõ hẹp, nó đến ngôi chùa gần khu dân cư. Nơi đây có cây cổ thụ rất to, yên lành, mát mẻ, là nơi nghỉ chân của rất nhiều “đồng nghiệp” như nó.
Thằng Tâm – một chú bé lớn hơn thằng Nhẫn một tuổi, cũng đi bán kem. Tâm học lớp cô An trường Nguyễn Khoái, năm nay nó cũng thi vào lớp sáu. Hôm đi thi, hai đứa ngồi chung một phòng, tên thằng Nhẫn bắt đầu là vần N nên nó ngồi ở quãng giữa phòng, thằng Tâm ngồi gần cuối phòng.
Thằng Nhẫn quen thằng Tâm vào lần đầu tiên nó chuyển đổi lộ trình đi bán. Hôm đó, đi mãi những ngõ hẻm khu Tôn Đản nó đâm chán, nó rẽ sang hướng mới và phát hiện ra khu Nguyễn Khoái. Nắng to rất nóng, đi mỏi , nó vào nghỉ chân dưới bóng mát cây cổ thụ ở chùa. Tại đây, nó và thằng Tâm gặp nhau, hai đứa nhìn nhau ngờ ngợ, quen quen, lân la trò chuyện thì mới biết, mấy năm trước học cùng trường Tân Qui, khác lớp. Đang học dở dang lớp bốn thì thằng Tâm chuyển về trường Nguyễn Khoái cho gần nhà. Thằng Tâm tính vốn hiếu kỳ, thấy bạn đi bán nữa buổi, đi học nữa buổi, vừa kiếm được tiền vừa học hành không tệ nên có vẻ thích, lại ngồi kể đủ thứ chuyện trên đời trời đất thì phát ham. Vậy là nó xin má nó cho nó đi bán. Nó đi bán được vài tháng nay, mỗi buổi chỉ vài chục cây kem lấy vui thỏa tính hiếu kỳ.
Kể từ ngày quen nhau, thằng Nhẫn cứ đôi ba bữa lại qua khu Nguyễn Khoái, một công đôi việc : vừa đi bán vừa đi gặp thằng Tâm. Hai đứa thường nghỉ chân dưới gốc cây cổ thụ chùa này, chơi oẳn tù tì đánh tay hoặc búng lỗ mũi. Hôm nào còn ít kem thì cùng nhau chơi bắn bi, đánh đáo cả tiếng đồng hồ mới thôi.
Cũng như hôm nay, nó gặp thằng Tâm dưới gốc cây cổ thụ :
_ Chút đi coi kết quả thi hôn Tâm, tao rủ thêm thằng Tí nhà kế bên đi luôn nữa ?
_ Tao định sáng mai mới đi, mà mày rủ, vậy mày chờ tao qua coi chung với nghen.
_ Ờ, tao bán hết này rồi về sớm. Trường mở cửa từ chin giờ đến hai giờ trưa. Mày qua lúc mười giờ rưỡi nghen. Chiều đi bắt cá với tao nữa nghen.
_ Ờ, để tao xin má tao đi chơi tới chiều luôn
Trong lúc trò chuyện, hai đứa cầm đồng tiền đánh qua đánh lại chan chát trên đất. Chúng chỉ chọi chơi chơi chớ không hăng hái đứng lên kẻ vạch, đào lỗ giống như mọi khi. Thằng Nhẫn lên tiếng :
_ Giờ tao đi bán đây, để kịp về sớm
Nói rồi hai đứa nhỏ chia hai đường. Thoắt cái, thằng Tâm chạy vút về nhà. Thằng Nhẫn nhanh chân rảo bước, tay lắc leng keng liên hồi.
Thằng Nhẫn có vẻ lo lắng hồi hộp về kết quả thi nên rủ thằng Tâm đi coi chung. Hôm thi, ngày đầu là môn Văn, nó làm được hết không bị lạc đề, nhưng không biết điểm có cao không vì ở lớp nó học Văn không được giỏi lắm. Ngày thi Toán, nó làm câu được câu bỏ. Vì vậy nó lo.
Hơn mười giờ, vẫn còn nhiều nhóm học trò tụ tập trong sân trường Tân Qui. Một danh sách dài thượt cả chục trang giấy chia ra dán đầy bảng thông báo. Thằng Tâm đến trước, nó nôn nóng chen vào đám đông dò tìm tên mình. Đang dò mắt từng tờ từ trái qua phải, chưa kịp thấy vần T ở tờ nào thì bọn học trò khác lại chen vào, mỗi đứa đứng thêm một chỗ, bên trái, bên phải, trước mặt, sau lưng đều có thêm một đứa, đứa căng mắt, đứa nhón chân, đứa này nói, đứa kia rì rầm, hết đứa này đưa tay đưa tay chỉ, đến bàn tay nào từ ngoài lại chen vào chỉ … Có nhiều đứa đã thấy tên mình, mừng quá, la to : đậu rồi … rồi lại chen đám đông chui ra làm hàng lối càng thêm xáo trộn. Tiếng reo vui mừng làm những đứa khác chưa tìm thấy tên mình càng sốt ruột, và làm mấy đứa đứng vòng ngoài phấn khích hơn. Tốp này chưa kịp ra thì tốp khác lại chen vào. Khó mà xem cho rõ.
Thằng Tâm bị đập một cái vào vai :
_ Tao nè, thấy tên mày chưa, thấy tên tao chưa ?
Thằng Tâm len đám đông đi ra
_ Thấy gì được mà thấy, tao mới vô, đang coi mà hết đứa này chen vô tới đưa kia đưa tay chỉ, Tay thấy một nùi bàn tay tụi nó thì có. Ủa, thằng Tí đâu, mày nói rủ nó đi chung mà.
_ Nó theo ba má nó đi Nha Trang chưa về. Tên mày vần T, mày đứng đó làm chi, sao không coi mấy tờ phía phải bảng kìa.
_ Ừ, tụi mình vô coi chung đi
Hai đứa lại quay vô. Lúc này một số khá đông đã tìm thấy tên mình, chúng bước ra xa bảng thông báo, túm tụm từng nhóm gái trai chen lẫn nói cười râm ran vui vẻ. Nhóm khác cũng trai có gái có đang vây quanh một đứa con gái thút thít khóc, đứa vuốt tóc, đứa nắm tay, đứa nói vài câu an ủi. Chắc bạn đó không tìm thấy tên mình, bạn bị rớt rồi.
Thằng Tâm lui xuống phía phải bảng thông báo. Thằng Nhẫn dò tìm ở phía trên, những tờ có tên bắt đầu từ vần N. Hàng loạt những cái tên Na, Năm, Nấm, Thị Nga , Hồng Nga, Ngọc Nga …v.v, rồi nào Ngoan, Ngoãn, Ngoạn, lại đến Ngọc, Bích Ngọc, Hồng Ngọc, Kim Ngọc …v.v. Mắt căng nhìn rõ từng tên, tay thằng Nhẫn lần theo vần NG, NH …, khi nó thấy được chữ Nhân bỗng tim nó đập bình bịch bình bịch, một cảm giác là lạ lâng lâng nong nóng lan tỏa từ mặt xuống ngực. Nó nhìn kỹ và nhẩm đọc :
_ Nhân, Hiếu Nhân, Trọng Nhân, Nhẫn, Hoài Nhẫn, Trọng Nh … Tay nó di di trên dòng chữ đầy đủ họ tên : Trần Trọng Nhẫn, lớp …, trường …, địa chỉ …
_ Tao đậu rồi, đậu rồi. Thằng Nhẫn reo to lao tới phía thằng Tâm
Thằng Tâm cũng vừa kịp lúc thấy đầy đủ tên họ của mình.
_ Tao thấy tên tao rồi nè
Hai đứa chụm đầu đọc lại dòng tên thằng Tâm lần nữa rồi chạy qua hướng bên này đọc lại tên thằng Nhẫn lần nữa. Hai đứa vui mừng bá vai nhau nhảy tưng tưng. Chợt nhớ tới thằng Tí, hai đứa lại quay vô dò tìm. Tên khai sinh của thằng Tí là Sơn, hai đứa tìm mãi, quá trời dãy tên Sơn, nhưng riêng tên Nguyễn Bình Sơn tìm hoài không thấy. Sợ mình hoa mắt đọc sót, hai đứa dò đi dò lại hai ba lần. Đến khi biết chắc không có tên thằng Tí, hai đứa nhìn nhau như thầm buồn thay bạn. Cái buồn dùm người khác kiểu trẻ con chỉ thoáng một chút, hai đứa cặp kè sải bước về nhà, miệng huýt sáo vang vang.
_ Má ơi ! con đậu rồi. Thằng Nhẫn la vang từ ngoài cửa
Má nó chạy ra đón con, chỉ biết nở nụ cười và xoa đầu thằng nhỏ : Ừ, đậu rồi, con giỏi.
Còn hai tuần nữa là khai trường.
Trưa, thằng Nhẫn đi bán về thấy trên dây sào ngoài sân có hai khúc vải một xanh một trắng đang phơi. Nó reo lên mừng rỡ :
_ Má mua cho con phải hôn má ?
_ Ừ, má mới mua sáng nay nhưng … má nó chần chừ … má chỉ đủ tiền mua cho con một bộ, mai mốt má dành dụm mua thêm một bộ sau nghen.
Hình như thằng Nhẫn chẳng quan tâm tới việc một bộ hay hai bộ có ý nghĩa gì. Nó đang cảm thấy rất sung sướng với bộ đồ đồng phục mà giờ đây đang còn là khúc vải vắt trên sào phơi, nó bỏ thùng kem xuống khỏi vai, tay mân mê hai khúc vải :
_ Chừng nào may má, may chừng nào có vậy má ?
Má nó như quên ngay cái phút ngập ngừng khi nãy của mình khi nhìn thấy bộ dạng thằng Nhẫn, bà cười khì :
_ Mai má cắt may liền, mốt con có để mặc thử
_ Sướng quá, sướng quá, đồ mới, đồ mới, đồ đi học, sướng quá, sướng quá - Thằng Nhẫn vỗ tay bôm bốp rồi một tay nắm dây thùng kem nhấc lên đem vô nhà.
Sở dĩ thằng Nhẫn thấy sung sướng như vậy là vì rất lâu rồi nó chưa có được bộ quần áo mới nào đúng nghĩa. Số quần áo của anh em nhà thằng Nhẫn, mấy cái mặc trong nhà cái nào cái nấy rất sạch sẽ nhưng hầu như cái nào cũng có vết khâu vá, vá đắp, vá mạng đủ kiểu, còn những cái mặc ra đường, mỗi đứa có được đâu chừng hai hay ba cái gọi là mơi mới, tinh tươm. Trong gia đình nó, cái câu Cũ người mới ta được má nó áp dụng thiệt là triệt để, cứ đứa lớn mặc chật thì thảy xuống cho đứa nhỏ, chẳng kể trai hay gái. May là phía trên thằng Ẩn không cha thì chú nên thằng Nhẫn hưởng cái phần mới ta ấy cũng là quần áo con trai, chứ đám em gái nó mặc mót đồ của nó toàn quần áo con trai không hà. Thằng Nhẫn có được hai cái quần kaki và ba cái áo sơ mi để đi ra đường thuộc dạng kể trên, quần một cái may năm trước nữa, một cái may năm vừa rồi, áo – một cái tay dài, hai cái tay ngắn, cái tay dài do vải rút ba nó mặc chật cho lại nó, một cái tay ngắn má nó mua rẻ ở chợ, một cái sửa lại từ áo của chú nó.
Những dịp may đồ mới là mỗi năm vào ngày giáp Tết, hợp tác xã bán theo sổ, mỗi hộ gia đình được mua vài thước vải. Có năm bán vải ka tê trắng hoặc xanh thì má nó ưu tiên may áo cho ba nó mặc đi làm. Năm khác bán vải ú đen thì dành may quần cho má, cho mấy em gái, vải ka ki cứng kèo kèo thì dành may quần tây, quần tà lỏn cho nó với ba nó. Năm trước bán áo thun, khăn lông. Năm vừa rồi, mỗi hộ được phân phối năm thước vải phin màu xanh hoặc màu tím, loại vải này vừa mỏng, vừa rút, nhúng nước phơi lên thì năm thước còn lại hơn bốn thước rưỡi. Má nó đã khéo sắp xếp may cho con Nhường, con Nhân – mỗi đứa một bộ vì hai đứa sinh năm một, chúng lớn xấp xỉ nhau như sinh đôi và đang đi học lớp ba. Rồi bà lấy áo năm trước của con Nhường sửa lại thành cái áo đầm (hoặc dài dài tương tự như áo đầm) cho bé Như, bé Nhã nhỏ chưa biết gì nên má lấy vải vụn ráp lại thành hai ba cái quần ngắn nho nhỏ cho nó mặc trong nhà. Số vải còn lại ít ỏi cũng đủ may cho bé Như thêm một cái áo mới nữa. Cứ vậy, mỗi năm cả nhà thay nhau được may quần áo mới khi thì người này khi thì đứa kia theo sự sắp xếp của má. Và điều đó là chân lý, chẳng nghe ba nó có ý kiến gì hay đứa nào mè nheo bao giờ.
Ngày khai trường, thằng Nhẫn được diện bộ đồ đồng phục mới tinh do chính tay má nó may. Áo sơ mi trắng cổ đăng tông, tay ngắn, có cái túi nhỏ phía bên ngực trái, quần dài tới mắc cá chân, hai cái túi xéo bên hông, thọt thẳng hai bàn tay vào hai bên vẫn chưa đụng được đáy túi. Nó không quan tâm tới điều đó, nó chỉ thấy bộ quần áo của nó rất đẹp, rất sáng và nổi bật giữa đám học sinh cùng vào dự lễ khai trường ngày hôm nay.
Sách vở, bút, thước, viết, compa … và nhiều thứ nữa, cái nào cũng mới tinh đang nằm trong cặp của nó. Mấy năm trước nó cứ phải xài đi xài lại đồ dùng của năm cũ. Hôm chở nó đi mua tập vở, ba nó bảo :
_ Đây là phần thưởng cho con vì thành tích thi đậu vào lớp sáu. Con nhớ giữ gìn cẩn thận và nhớ cố gắng học cho giỏi nghen.
_ Dạ. Nó phấn khích dạ một tiếng thật to làm cô bán hàng trong hiệu sách phải phì cười.
Vậy đó là thằng Nhẫn đi học, năm nay nó học buổi sáng.
Mỗi ngày, sau giờ đi học về, Nhẫn ăn cơm trưa, được nghỉ một tiếng đồng hồ rồi sau đó nó lại quảy cái thùng cà rem lên vai. Lịch đi bán của nó thay đổi và nó cực nhọc nhiều hơn vì trời trưa thường rất nắng hoặc rất hay mưa. Thầy cô ngạc nhiên vì có lần họ nhận ra thằng bé đi bán cà rem ngang qua nhà mình là học trò của mình, cũng từ đó các thầy cô cũng thương nó nhiều hơn vì trong lớp dù nó không là học sinh xuất sắc nhưng rất mực chăm chỉ và ngoan ngoãn.
Còn quần áo đồng phục mẹ may độc một bộ, sáng đi học thì giữ gìn thật kỹ. Giờ ra chơi, nó không lê lết làm vấy bẩn, nó chỉ chọn chơi những trò gì mà đỡ làm dơ quần áo nhất, hầu hết nó chỉ nhìn các bạn chơi là chính, nhất là thèm thuồng nhìn đám con trai rượt đuổi vật nhau vui vẻ. Trưa về đến nhà nó vội thay ra, giặt ngay và treo phơi ngay trước khi rời nhà đi bán, mà giặt nước không nhé, không có tí xà bông nào, cuối tuần nó sẽ để má nó hoặc em nó vò quần áo nó bằng xà bông một lần thôi. Nó giữ kỹ lưỡng mặc cho những năm học sau và giữ kỹ đến nỗi khi nó vào lớp tám, nó vụt cao lên, bộ quần áo trở nên bé nhỏ chật chội, nhưng vẫn mới tinh đối với em gái nó khi bé Nhân bước chân vào lớp sáu. Năm học đó, phải lần hồi đến gần hết học kỳ I má nó mới may thêm cho nó được một bộ nữa để thay đổi.
Thằng Nhẫn lên lớp bảy thì lại học buổi chiều. Buổi học bắt đầu từ hai giờ đến năm giờ rưỡi.
Năm nay thằng Nhẫn làm lớp trưởng.
Thằng Nhẫn đi bán kem vào mùa hè, còn mùa học sinh đi học nó chuyển sang nghề khác.
Sáng anh em nó thức dậy lúc sáu giờ, còn mắt nhắm mắt mở thì dưới bếp hai nồi khoai to được má nó gạn nước vừa xong, hong trên bếp cho ráo đều, khói bay nghi ngút, mùi thơm lan tỏa. Sau khi vệ sinh cá nhân sạch sẽ, ba anh em dọn hàng đi bán ở góc phố cách nhà chừng vài trăm mét. Công cụ hỗ trợ bán hàng gồm một cái bàn thấp, một cái ghế xổm do ba nó tự đóng bằng những thanh gỗ vụn xin lần hồi ở trại cưa ngoài ngã ba Tân Qui. Thằng Nhẫn bê hai món này đem ra góc phố đặt xuống trước rồi chạy u về nhà. Sau đó nó đứng giữa, hai tay nắm hai quay hai nồi, em nó - đứa bên trái, đứa bên phải, mỗi đứa một tay nắm quay nồi, tay kia mỗi đứa cầm theo một cái mâm nhôm tròn - loại thường dùng dọn cơm cho khoảng sáu bảy người ăn, rồi cùng nhau dàn hàng ngang như vậy khiêng hai nồi khoai tiến ra chỗ bày bán.
Tám giờ sáng, thằng Nhẫn giao quầy hàng lại cho bé Nhường, bé Nhân. Nó đi về nhà. Ở nhà, một cái thau nhôm sáng sủa đựng một trăm trái cóc xanh đã được má nó bào vỏ và rửa sạch. Nó sà vào thau cóc to tướng ấy, dùng một con dao tỉa hình chiếc lá mai để tách múi từng trái cóc trơn tru thành hình dáng cái nôm cá, trên đầu có cái mũ tròn xinh xắn. Cóc tách xong được ngâm nước muối hòa đường, nhìn rất to, đẹp và hấp dẫn. Thau cóc này chốc nữa bé Nhân mang nó ra trường học bán cho học trò vào giờ ra chơi.
Chín giờ sáng, thằng Nhẫn đi chợ. Má nó đã chuẩn bị sẵn một số tiền, hai giỏ nhựa, mỗi giỏ có thể đựng được một chục ký khoai sống và hai vỏ bao - loại bao nhỏ đựng mười ký lô hay dùng đựng cát chặn quanh bót gác của mấy khu quân sự.
Nó mang theo tất cả những thứ đã được chuẩn bị ấy và rảo chân đi bộ ra ngã ba Tân Qui cách nhà non một cây số. Tại đây có tuyến xe buýt đi ngã ba Tân Qui - Chợ Cầu Muối, Cầu Ông Lãnh.